Theo phong tục thờ cúng từ xưa đến nay, hai ngày Sóc (Mùng 1) và Vọng (ngày Rằm) là hai ngày quan trọng để tưởng nhớ gia tiên, tiền tổ.
Ngày Mùng 1 Âm lịch được gọi là ngày Sóc - ngày khởi đầu của một tháng mới, nên cầu khấn những điều tốt lành và may mắn. Ngày Rằm (15 Âm lịch) được gọi là ngày Vọng - ngày trăng tròn, ngày mà tâm tính con người trở nên sáng suốt, chỉ cần thành tâm cầu nguyện thì mong ước dễ dàng được gửi đi.
Lễ cúng vào ngày Mùng 1 và ngày Rằm không chỉ là khoảng thời gian để tưởng nhớ tổ tiên mà còn thể hiện mong muốn tâm tư trở nên sáng suốt, thanh tẩy những điều vẩn đục trong lòng.
Chính vì vậy, những ngày này trên ban thờ gia đình Việt thường được bày biện hoa quả đủ đầy. Đồ lễ cũng không thiếu được xôi, bánh kẹo, trầu cau, tiền vàng mã.
Văn khấn Mùng 1 và ngày Rằm 2022 chuẩn nhất - Ảnh 1.
Dưới đây là bài văn khấn Mùng 1 và ngày Rằm tham khảo chuẩn nhất cho 2022.
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị Tôn thần
Ngài Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân,
Ngài Bản gia Thổ Địa Long Mạch tôn thần,
Các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần,
Ngài Tiền hậu địa chủ tài thần cùng các Tôn thần cai quản trong khu vực này,
Con đồng kính lạy các Gia Thân, Gia tiên tiền tổ,
Hôm nay là ngày..... tháng.... năm.... (Âm lịch)
Tín chủ con (chúng con) là........ Ngụ tại......
Tuân theo lề cũ, Mùng 1 đến ngày (Ngày Rằm đã đến), kính bày lễ Sóc (Vọng), tín chủ con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, kim ngân trà quả, đốt nén hương thơm, dâng lên trước án.
Chúng con thành tâm kính cẩn lạy dâng Tôn thần, Tiên tổ, cúi xin các ngài thương xót tín chủ giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia an lạc công việc hanh thông. Người người được bình an, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Giãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.